Hình Ảnh Bác Hồ Đánh Bida Với Ai? - Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục đăng trên báo Cứu quốc (ngày 27-3-1946), Người đã nêu rõ: “Ngày ngày tập luyện thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới...” Khái niệm đầy đủ này mãi tới năm 1978, trong bản Tuyên ngôn Alma Ata, Tổ chức y tế thế giới của Liên hợp quốc (WHO) mới thể hiện rõ hơn trong định nghĩa: Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật, mà còn là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội.
Trong nhiều năm gian qua, các nhà nghiên cứu và báo giới trong nước đã đề cập quá nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ riêng trong lĩnh vực TDTT đã không thiếu các ví dụ sinh động và những luận cứ khác nhau. Chính vì thế, nhân ngày Thể thao Việt Nam năm nay, chúng tôi muốn dành chút thời gian nhìn lại điểm tựa từ cơ sở của tinh thần Dân cường nước thịnh mà Bác đã phát động, bắt đầu từ khái niệm về đạo dưỡng sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó, xin mạn phép bàn tới những hoạt động cụ thể của Bác đối với các môn thể thao.
Bác Hồ chơi những môn thể thao nào?
Trên thế giới, nhiều vị nguyên thủ được người đời biết đến khi tham gia một môn thể thao nào đó. Chẳng hạn Chủ tịch Mao Trạch Đông yêu bơi lội, Tổng thống En xin yêu quần vợt, Tổng thống Putin là võ sĩ judo có hạng hay ông Đặng Tiểu Bình là một kì thủ cờ vây giỏi của Bắc Kinh…tuy nhiên, một nhà lãnh đạo mà biết và yêu thích nhiều môn thể thao, nhất là lại trong điều kiện vô cùng gian nan của công cuộc kháng chiến cứu nước như Bác Hồ thì quả là chuyện xưa nay hiếm.
Chắc chắn, Bác Hồ của chúng ta thuộc diện những “fans ruột”, nếu có thể nói thế, của các môn võ thuật, bóng chuyền, bơi lội, cờ tướng và điền kinh, chưa kể Người rất quan tâm tới bóng đá, bi-a.
Bác là người yêu mến và trân trọng văn hóa phương Đông, trong đó có võ thuật. Bác tập võ để dưỡng sinh song bên trong thói quen này ẩn chứa cả nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người phương Đông như Bác. Bác luôn luôn xem việc rèn luyện là điều kiện thiết yếu để con người trưởng thành, thậm chí chỉ nhìn thấy chiếc cối giã gạo Người cũng thốt lên:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi sạch tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện ắt thành công
Đó là niềm tin, là xác tín của Bác đặt vào chính con người, tương tự như lời Người khuyên thanh niên:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Nếu không hiểu võ học, làm sao Người nhanh chóng phát hiện và sửa tư thế cầm kiếm cho một nữ VĐV trường ĐH Từ Sơn nhân dịp tới thăm nhà trường vào năm 1961?
Cụ Lê Dung, nguyên Thứ trưởng (đầu tiên) Bộ Giao thông Vận tải của nước Việt Nam DCCH, người thanh niên ở trần tập võ đứng sau lưng Bác Hồ trong tấm ảnh kỷ niệm và là thân sinh của HLV Lê Công khẳng định Bác am tường võ thuật nên đủ sức hướng dẫn, dạy cách đánh của võ tay không chống trả đối phương có kiếm, thương, thậm chí có súng ở cự ly gần.
Các thế hệ HLV, VĐV bóng chuyền luôn tự hào với tấm ảnh Bác Hồ chơi bóng chuyền trong chiến khu thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thuộc An toàn khu (ATK) khi đã gần 60 tuổi. Ông Vũ Kỳ kể rằng chiều chiều sau giờ làm việc, Bác lại đi tăng gia sản xuất hoặc đánh bóng chuyền cùng anh em ở quan. Bác chơi bóng rất hoạt bát nên hôm nào có Bác là sân bóng sôi nổi, vui hẳn lên. Một lần chơi bóng chuyền có Bác tham gia, mấy anh em bên sân kia hò nhau: “Bỏ tủ nhé”. Bác vỗ tay vào mình, đứng ở tư thế sẵn sàng đón bóng và nói to: - A, nó truy tủ! Kháng, Chiến, Trường, Kỳ đâu, mau bảo vệ tủ! Quả nào Bác đánh không qua lưới, mọi người cười ồ, Bác hóm hỉnh tuyên bố: - Đừng vội chủ quan! Quả này Bác đánh ngoại giao thôi.
Bác giỏi chơi cờ. Người viết bài này được nghe nhiều bậc cha chú, từng gần gũi Bác kể rằng Bác là kì thủ cở tướng. Trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc, Bác đã tranh thủ rèn luyện thêm về môn thể thao trí tuệ này, câu thơ Bác để lại từ môn cờ thật hay:
Lạc bước, hai xe đành chịu lép
Gặp thời, một tốt cũng thành công
Bác cũng rất ưa các môn thể thao dưới nước như bơi lội và chèo thuyền. Bác tập bơi suối ngay giữa mùa đông ở rừng Việt Bắc. Bác rất thích bơi, Người thường bơi kiểu nghiêng người, sải tay, đập chân. Đã có trang viết rất cảm động, theo đó đi công tác qua những suối lớn không lội được, anh em chuẩn bị mảng để cho Bác qua nhưng Bác không chịu đi mảng rồi cởi quần áo ngoài để lên mảng và bơi qua sông, qua suối khiến mọi người cùng bơi theo Bác, trở nên cuộc vượt sông rất thú vị. Lại có chuyện rất vui về đề tài này, do Tướng Phùng Thế Tài kể lại. Khoảng năm 1941, ông theo Bác Hồ từ Trung Quốc về Cao Bằng xây dựng lực lượng ở ATK, một lần hai thày trò đi công tác và gặp lũ lớn, khúc suối trở thành sông và ông có ý dìu Bác qua dòng nước xoáy nhưng Bác kiên quyết không chịu và nói “Tôi bơi được, phải biết tự lực chứ” và nhảy xuống nước, không may hôm ấy nước mạnh quá nên kéo Bác đi một đoạn khiến anh bảo vệ phải lao mình theo chân Bác. Khi hai thày trò thoát nạn nghỉ bên bờ suối, Bác tươi cười rút kinh nghiệm và hóm hỉnh nói “Chú hơi nóng khi trách Bác đấy”.
Bác yêu mấy môn thể thao đã kể, tuy nhiên với những gì đã nghe, đã thấy và đã tin, chúng tôi lại cho rằng có lẽ tình yêu thể thao của Bác đã dành nhiều nhất cho môn điền kinh.
Bác Hồ chơi bida với bác sĩ Nhữ Thế Bảo
Bác sĩ Nhữ Thế Bảo (20-6-1912 – 2-4-1983), quê ở làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông từng làm Viện trưởng Quân y viện 108, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Cục trưởng Cục Bảo vệ sức khỏe TƯ, Ủy viên Thường trực Hội đồng bác sĩ TƯ, đặc trách chăm sóc sức khỏe của các vị lãnh tụ: Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng…
Nhữ Thế Bảo xuất thân trong một gia đình dòng dõi khoa bảng. Cha ông là Nhữ Trọng Túc, đậu cử nhân, được bổ nhiệm chức Hàn lâm viện thị độc học sĩ và được triều đình nhà Nguyễn cử đi sứ, giữ mối quan hệ bang giao với Trung Quốc trong nhiều năm. Ngoài ra, các cụ tổ nhiều đời đều nối tiếp nhau đỗ đại khoa như: Tiến sĩ Nhữ Văn Lan (1463), tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng (1664), tiến sĩ Nhữ Đình Hiền (1680), bảng nhãn Nhữ Trọng Thai (1733), tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1736), hoàng giáp Nhữ Công Chân (1772)…
Tốt nghiệp y khoa năm 1938, khi vừa tròn 26 tuổi, Nhữ Thế Bảo là một trong số những người tiêu biểu nhất của lớp trí thức trẻ đầu tiên sớm giác ngộ cách mạng, đem hết tài năng, trí tuệ và lòng nhiệt thành phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Khi còn là học sinh ông đã cùng bạn bè tham gia cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh. Trong thời gian làm thầy thuốc ở mỏ than Hòn Gai (từ 1939-1945), trước Tổng khởi nghĩa ông đã bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh và tham gia tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Hòn Gai, được cử làm Ủy viên xã hội trong Ủy ban cách mạng Hòn Gai.
Năm 1946, ông cùng một số trí thức yêu nước sáng lập ra Đảng Xã hội Việt Nam. Cuối năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hà Nội ngập trong khói lửa với 60 ngày đêm quyết tử để bảo vệ Thủ đô, ông tham gia trong Ủy ban bảo vệ thành phố với cương vị Phó Trưởng Ban Y tế ngoại thành. Cuối tháng 1-1947, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và làm Giám đốc Quân dân y phân khu Tây bắc TP. Hà Nội. Bác sỹ Nhữ Thế Bảo đã trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong thành lập ngành Quân y Việt Nam.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, ác liệt, ông tham gia quân đội, xông pha trên các chiến dịch ở mặt trận, được giao trách nhiệm lãnh đạo chủ chốt trong các đơn vị quân y. Một người đồng nghiệp, từng sát cánh bên ông trong những ngày gian khổ đó kể: "Năm 1952 cùng đồng chí đi phục vụ chiến dịch Quang Trung, đồng chí đi bộ từ đơn vị này sang đơn vị khác, nêu gương dũng cảm phục vụ không nghĩ đến bản thân mình, chỉ nghĩ đến việc cứu tính mạng của chiến sĩ”…
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được chuyển công tác về Bộ Y tế (1956). Ngoài đảm nhận cương vị lãnh đạo chủ chốt đơn vị ông được Trung ương Đảng, Chính phủ tín nhiệm giao đảm trách chăm sóc sức khỏe các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc trách chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng… Hơn 20 năm biệt phái công tác tại Phủ Chủ tịch, ông ngày đêm theo sát các bước đường công tác để chăm sóc sức khỏe cho các vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta.
Với tất cả tài năng, tâm sức, bác sĩ Nhữ Thế Bảo đã luôn ở bên và chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ đến những giây phút cuối cùng. Sau khi Người qua đời, với những cống hiến trong công tác, bác sĩ Nhữ Thế Bảo đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng Bằng khen với lời ghi: "Đã tận tụy hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống”.
Xem thêm:
Comments