Ngọ Môn là cổng chính và nằm ở phía Nam của Hoàng Thành, chỉ dành riêng cho nhà vua cùng đoàn ngự đạo ra vào Hoàng cung, hoặc dùng để tiếp đón các sứ thần. Trước đây tại vị trí này là Nam Khuyết Đài, được xây dựng đầu thời vua Gia Long. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc của Hoàng Thành, Nam Khuyết Đài bị triệt giải để xây dựng cổng Ngọ Môn uy nghi và to lớn hơn.
Giới thiệu về Ngọ Môn
Hướng Nam, theo quan niệm của địa lý phong thủy phương Đông là hướng “Tý – Ngọ”. Trên thực tế hướng của Ngọ Môn cũng như toàn bộ Kinh Thành Huế – là hướng “Càn – Tốn” (Tây Bắc – Đông Nam), nhưng vẫn được xem là hướng Ngọ (hướng Nam). Theo Dịch học, hướng Nam là hướng dành cho bậc vua chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (tạm dịch: để cai trị thiên hạ, hướng về lẽ sáng để trị vì đất nước).
Trải qua hơn 200 năm với những tác động của thời gian, sự khắc nghiệt của thời tiết và cả khói lửa chiến tranh, nhưng Ngọ Môn vẫn tồn tại và đứng vững cho tới ngày hôm nay để trở thành một biểu tượng của xứ Huế.
Để miêu tả ngắn gọn về kiến trúc của Ngọ Môn, ca dao Huế có câu:
“Ngọ Môn năm cửa chín lầu,
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai của quanh
Thân em phận gái, hỏi chốn Kinh thành làm chi.”
Kiến trúc Ngọ Môn
Kiến trúc Ngọ Môn chia làm hai phần chính: Hệ thống nền đài ở phía dưới và lầu Ngũ Phụng ở phía trên. Tuy tính chất và vật liệu xây dựng rất khác nhau, nhưng hai thành phần này lại được thiết kế hài hòa với nhau, trở thành một tổng thể thống nhất.
Hệ thống nền đài
Có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m, cạnh bên dài 27,6m. Nền đài được xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng, cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1.560 m2 (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 lối đi, lối ở chính giữa phía trên có biển ngạch gắn 2 hai chữ Hán “Ngọ Môn” gò bằng đồng.
Lối giữa là lối chỉ dành cho vua đi, hai bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho văn, võ quan trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho đội binh lính và voi ngựa theo hầu.
Lầu Ngũ Phụng
Lầu Ngũ Phụng là phần lầu đặt ở phía trên nền đài của cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu Ngũ Phụng thiết kế hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim, trong đó có 100 cây cột, với ý nghĩa tượng trưng cho bách tính trăm dân thiên hạ. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ mái, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lầu Ngũ Phụng đặt ở phía trên đài, được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m và cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với 100 cây cột. Phần mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ. Trong đó, bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói ống màu xanh. Phía trước chính giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, xung quanh và phía sau nong ván, trên đó trổ nhiều cửa sổ với hình dáng rất phong phú và đa dạng như hình tròn, hình quạt, hình khánh… Các bờ nóc, bờ quyết, hồi mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo.
Giá trị lịch sử của Ngọ Môn
Ngọ Môn là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất dưới thời Nguyễn. Đây không chỉ có chức năng là cổng ra vào, mà còn được xem như một lễ đài. Nơi đây đã được triều đình nhà Nguyễn tổ chức các buổi lễ quan trọng như: lễ Ban Sóc (ban lịch mới), lễ Truyền Lô (đọc tên Tiến sĩ tân khoa), lễ Duyệt binh, v.v. Đặc biệt vào ngày 30/08/1945, hoàng đế Bảo Đại đã lên lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn để đọc Chiếu Thoái vị và trao ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam, trở thành công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong thời khắc chuyển giao lịch sử đó, 21 quả đại bác vang dội trên Kỳ Đài Huế, lá cờ vàng của Nam Triều được kéo xuống để lá cờ đỏ sao vàng tung bay dưới sự chứng kiến của hàng vạn người dân Huế, chấm dứt 143 năm tồn tại của triều Nguyễn, khép lại chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Thông tin du lịch Ngọ Môn
Ngày nay khi đến thăm Hoàng Cung, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ của thành trì Cố đô, còn được chứng kiến nghi lễ Đổi gác (vào lúc 9h đến 9h30 sáng hàng ngày) tại cổng Ngọ Môn, đây là một trong những nghi thức xưa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện dưới hình thức cảnh tượng hóa nhằm làm sống lại không gian của di sản, đồng thời giúp du khách hình dung về một nghi thức xưa trong nhiều hoạt động của triều Nguyễn.
Và một điểm đặc biệt mà trước nay không có đó là hiện tại du khách đã được leo lên tham quan lầu Ngũ Phụng để tham quan. Đừng từ lầu Ngũ Phụng chúng ta sẽ nhìn được bao quát hơn tổng thể Đại Nội Huế.
Comments